Cây sầu riêng bị rụng lá và cách khắc phục hiệu quả

Trong suốt quá trình canh tác, cây sầu riêng bị rụng lá luôn là vấn đề khiến nhiều bà con nông dân phải lo lắng. Lá sầu riêng rụng nhiều không phải hiện tượng hiếm, nhưng để tìm ra nguyên nhân gốc rễ quả thực không đơn giản. Vì vậy, Nông Nghiệp Hay sẽ đồng hành cùng bà con đi tìm phương pháp khắc phục chứng bệnh này qua bài viết dưới đây.

Biểu hiện rụng lá sầu riêng ở từng giai đoạn

Hiện tượng rụng lá xảy ra ở tất cả giai đoạn sinh trưởng của cây sầu riêng, đặc biệt là 3 giai đoạn sau: 

Giai đoạn tạo mầm

Ở giai đoạn này, phần mép lá cây sầu riêng có thể teo tóp dần, sau đó ngả vàng và rụng hàng loạt. Thông thường nguyên nhân bắt nguồn từ việc thiếu nước cộng với thời tiết khắc nghiệt, dẫn đến tình trạng cháy mép lá. 

Giai đoạn ra mắt cua

Trong thời gian phun kích mắt cua, bà con nông dân dễ nhận thấy hiện tượng cây sầu riêng bị rụng lá. Thân cây có dấu hiệu khô héo do quá trình quang hợp giảm. Việc lá rụng quá nhiều ở giai đoạn này sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của mắt cua. Nếu không xử lý kịp thời, chất lượng bông sầu riêng và khả năng đậu trái sẽ giảm đáng kể.

Hoa sầu riêng sẽ mọc từ vị trí mắt cua

Giai đoạn đang mang trái

Khi sầu riêng đang mang trái, phần lá đóng vai trò rất quan trọng. Lá cây tích cực quang hợp để tập trung chất dinh dưỡng giúp tạo hạt và cơm sầu riêng. Do đó, khi lá rụng nhiều, cây không còn đủ sức để tạo ra trái đạt chất lượng. Dấu hiệu nhận biết cây thiếu dinh dưỡng thể hiện qua vết cháy sắc nét kéo dài từ chóp lá vào phần thân.

Nguyên nhân cây sầu riêng bị rụng lá hàng loạt

Đa phần cây sầu riêng bị rụng lá do những yếu tố sau đây:

Sốc nhiệt, thời tiết

Phần lớn ở giai đoạn nhà vườn xử lý hoa, thời tiết trở nên nắng nóng kéo theo tình trạng thiếu hụt nước tưới. Trong tình huống này, nông dân buộc phải xiết nước. Quá trình xiết nước lâu dễ dẫn đến hiện tượng sốc phản ứng hoặc cạn kiệt dinh dưỡng ở cây sầu riêng.

Cây sầu riêng sốc phản ứng sẽ tự tạo ra chất phân hủy tế bào H2O2. Đây là chất oxi hóa mạnh có thể gây độc cho cây, đồng thời gây ra hiện tượng lá bị cháy mép và rụng. Bên cạnh đó, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm có thể khiến tình trạng rụng lá trầm trọng hơn.

Hiện tượng “rụng lá cội”

“Rụng lá cội” là hiện tượng lớp lá già nằm gần thân chính trở nên úa vàng và rụng hàng loạt. Mỗi năm, cây sầu riêng sẽ ra thêm lá non, riêng lớp lá già, yếu dễ bị nấm bệnh ký sinh sẽ dần rơi rụng. Trước khi rụng hàng loạt, bà con sẽ thấy tầng lá già dần ngả vàng kết hợp với phần cuống lá tự động héo.

>> Có thể bạn quan tâm: Cây Sầu Riêng Bị Cháy Lá – Nguyên Nhân Và Biện Pháp Khắc Phục

Lớp lá già trở nên vàng úa và rụng liên tục

Bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh

Cây sầu riêng bị rụng lá thường sẽ do tác động của 2 loại nấm Phytophthora và Fusarium. Chúng phát triển mạnh vào mùa mưa và tấn công vào vết thương hở trên cây. Từ đó, vi nấm có khả năng làm thối bộ rễ, ngăn không cho cây hấp thụ chất dinh dưỡng và nước.

Nhện đỏ cũng là một loại sâu bệnh khiến nhiều bà con nông dân phải lo lắng. Chúng ăn phần biểu bì ở mặt dưới lá, tạo nên những chấm nhỏ li ti trên cả lá non và lá già. Thời điểm làm bông sầu riêng, thời tiết nắng nóng chính là môi trường sống lý tưởng của nhện đỏ.

Lá sầu riêng bị nhện đỏ ký sinh sẽ xuất hiện những chấm nhỏ li ti

Cách khắc phục cây sầu riêng bị rụng lá

Lá rụng liên tục là “tín hiệu” báo động sức khỏe của cây đang suy giảm, yêu cầu người nông dân phải can thiệp ngay. Dưới đây là những biện pháp chính có thể hỗ trợ điều trị cho cây sầu riêng bị rụng lá:

Biện pháp tạm thời

Theo chuyên gia, lá cây sầu riêng sẽ ngả vàng trong khoảng 1 tháng. Thời điểm này là lúc bà con nông dân nên áp dụng những biện pháp xử lý ngắn hạn như sau:

Hỗ trợ dinh dưỡng cho cây

Bà con nông dân có thể phun thuốc hỗ trợ để tăng cường sức chống chịu của cây. Thông thường, thuốc có chứa chất điều hòa sinh trưởng Brassinolide sẽ được kết hợp cùng trung vi lượng để tăng hiệu quả kháng bệnh.

Trong thời gian mang trái, bà con không nên để trái quá nhiều khiến bộ rễ dễ suy kiệt. Hơn nữa, rễ cây cũng dễ bị nấm bệnh ký sinh khi chịu tác động của phèn, mặn, thủy cấp cao. Lúc này, bà con cần bổ sung thêm NPK xen lẫn các loại dinh dưỡng dạng hữu cơ lỏng thực vật.

Bà con có thể phun xịt hỗ trợ khi cây rụng lá liên tục

Điều tiết lượng nước tưới cây

Ở những khu vực thời tiết khắc nghiệt, cây sầu riêng rất dễ bị sốc. Do đó, việc điều hòa lượng nước tưới sẽ giúp giàn lá phát triển tốt. Nếu chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm quá lớn, bà con không nên tưới thúc. Buổi sáng trời vẫn còn lạnh, sầu riêng chỉ nên được tưới vào khoảng 8-9 giờ khi trời đã ấm hơn. Tần suất tưới hợp lý nhất là 4-5 ngày một lần.

>> Có thể bạn quan tâm: Cây Sầu Riêng Bị Khô Cành – Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục

Biện pháp lâu dài

Cách chữa bệnh ít tốn kém nhất vẫn là phòng bệnh ngay từ đầu. Ở những giai đoạn sơ khởi, bà con nên ưu tiên những phương pháp có thể mang lại hiệu quả lâu dài như sau:

Chọn giống sầu riêng tốt

Để phòng ngừa bệnh rụng lá hàng loạt ở cây sầu riêng, bà con nên lựa chọn giống cây có khả năng đề kháng sâu bệnh tốt. Hiện nay, 2 giống sầu riêng kháng bệnh tốt nhất đồng thời đem lại năng suất cao là Mongthong và Black Thorn.

Cây sầu riêng khỏe mạnh có sức kháng lại sâu bệnh tốt

Cải tạo môi trường sống của cây

Vào mùa mưa, bà con nông dân nên chú ý đào rãnh thoát nước cho cây kết hợp với việc cắt tỉa cành cây hợp lý. Việc giữ lại quá nhiều tầng lá sẽ dễ tạo môi trường sũng nước khiến vi khuẩn, nấm bệnh phát triển nhanh.

Ngoài ra, lớp đất trồng sầu riêng cũng cần được cải tạo. Hằng năm, bà con cần áp dụng nhiều phương pháp giúp cân bằng độ pH cho đất. Hơn nữa, thổ nhưỡng sẽ phì nhiêu hơn khi được bổ sung trực tiếp các loại vi sinh có lợi như Trichoderma, Bacillus, xạ khuẩn,…

Một số sai lầm dễ mắc khi trị sầu riêng rụng lá

Ở giai đoạn tạo mầm, bà con nông dân thường đưa quá nhiều chất lân và kali kèm theo nhiều chất kích thích ra hoa. Việc này sẽ khiến cây dễ bị sốc gây nên tình trạng rụng lá hàng loạt. 

Bà con cũng dễ mắc sai lầm khi quá nóng vội phun kích mắt cua. Thuốc sẽ hoàn toàn không có tác dụng trong trường hợp phun kích liên tục khi hoa chưa ra mầm. Thay vì 7 ngày xịt 1 lần, vì quá hoang mang, bà con rút ngắn thành 5 ngày. Tần suất phun kích quá dày sẽ dễ gây ra tình trạng suy cây kéo theo chứng rụng lá kéo dài.

Phun xịt liên tục dễ khiến cây thêm vàng yếu

Đối với cây sầu riêng, việc chăm sóc được giàn lá khỏe mạnh đồng nghĩa với việc bà con nông dân đã thành công 50%. Chính vì vậy, khi phát hiện cây sầu riêng bị rụng lá liên tục, bà con cần áp dụng các biện pháp xử lý kịp thời.

Thông qua bài viết trên, Nông Nghiệp Hay hi vọng có thể cung cấp cho bà con những thông tin hữu ích. Rất mong nguồn thông tin này sẽ giúp bà con xử lý hiệu quả chứng rụng lá hàng loạt ở cây sầu riêng.

Tags:

Bài Viết Liên Quan